Ô Cửa Nhỏ Màu TrắngĐăng: Huy's Sirô Lượt xem: |
y yếu dần, chỉ giữ những chức bị nhỏ nhưng con cái trong nhà vẫn được truyền dạy theo lối hoàng cung và hình ảnh duy nhất còn lưu lại trong ký ức của mẹ là những ngày hội Tế Giao tưng bừng ở đất Thần Kinh.
Cậu bé − đúng rồi, lúc đó ông chỉ là cậu bé nghịch ngợm, ranh mãnh đánh lừa lão bộc để dắt mẹ đi xem hội. Hai đứa trẻ luồn qua đám đông theo gót đoàn Ngự Đạo từ Đại Hội đến Trai Cung. Đám rước gồm tiền đạo, trung đạo và hậu đạo đi giữa rừng cờ lễ, tang, lọng, kiếm quạt, đèn hoa cùng dàn chiêng trống, đại nhạc, nhã nhạc, đội múa Bát Dật long trọng, tưng bừng suốt dọc đường. Trong mỗi đạo đều có các hoàng thân quốc thích, các quan văn võ trong triều, các chỉ huy như thống chế, đô thống… Cậu bé đi cạnh nắm tay mẹ chỉ vào đám rước reo lên:
− Mi nhìn tề, cha tau.
Hai đứa trẻ không đến được Giao Đàn. Mẹ khóc rấm rứt. Để dỗ mẹ, cậu bé trèo lên cây, mồm miệng liến thoắng như đang trông thấy bằng mắt chứ không phải được nghe từ cha:
− Tau nhìn thấy nhiều cây thông lắm. Cha tau bảo là do chính tay các vị đại thần trồng. Hôm nay cây được đeo tên của vị đại thần đó. Trong đó chắc chắn có cây đeo tên của ôn tau.
Mẹ xuýt xoa:
− Rứa à?.
Thằng bé hãnh diện:
− Ừ. Tau nhìn thấy Giao Đàn rồi. Có ba tầng. Tầng trên là Viên Đàn tượng trưng cho trời nên có màu xanh và hình tròn. Tầng dưới là Phương Đàn có màu vàng hình vuông tượng trưng cho đất.
Con bé ngày ấy chăm chú nghe đến há hốc mồm. Cậu bé càng khoái chí thao thao:
− Tầng dưới cùng hình vuông màu đỏ tượng trưng… ờ ờ tượng trưng cho con người.
Mẹ ríu rít:
− Còn thấy gì nữa?.
Thằng bé tụt xuống:
− Mai mốt lớn, tau lên trên nớ dự lễ rồi kể cho nghe.
Chương 4
Ads Ông không sai lời. Nhiều năm sau cũng vào lễ Tế Giao, mẹ lẫn giữa đám đông nhìn ông uy nghi trong đám rước lễ long trọng, tưng bừng nhưng lời hứa không thực hiện được. Cha ông từ chối vì nhà gái thất sủng không môn đăng hộ đối.
Mẹ lấy chồng không biết vì yêu hay để xua đi những lời đàm tiếu hoặc đoạn tuyệt với những hồi ức buồn nhưng vết thương dù có trí mạng vẫn không chết thì cũng có lúc liền da liền thịt. Cha là học trò nghèo, con nhà nông, không phải dòng dõi khoa bảng. Cha yêu mẹ đằm thắm. Không bao giờ nhắc đến quá khứ hay thắc mắc về những lời đàm tiếu. Đáp lại, mẹ không để cha khó xử kiểu “Chân giày, chân dép vô ra − Kêu dâu cũng dở, kêu bà khó kêu”. Vứt bỏ những cành vàng lá ngọc mẹ cặm cụi làm lụng, chăm sóc gian sơn nhà chồng. Mẹ sinh đôi, lấy Phương Đàn, Viên Đàn đặt cho hai cậu con trai. Ở nhà thường gọi là Viên và Phương. Mấy năm sau ông bà nội qua đời. Nhà cửa, vườn tược tan tác sau trận bão. Gia đình dắt díu nhau vào Nam.
Nam Giao thôi nhìn đồng hồ. Lúc này thời gian không còn ý nghĩa. Vì mưa không bỏ cuộc nên cô không bỏ cuộc, thế thôi. Bàn ghế xô lệch và phủ đầy hơi nước. Chủ quán không còn nhìn trời rồi thở dài nữa. Trong chiếc ghế rộng choàng lấy thân người như vòng tay lớn, bà thong thả đan từng mũi kim. Cuộn len rơi xuống đất, lăn đến chân vị khách tóc bạc. Ông cúi nhặt, vo tròn rồi cẩn thận đặt vào lòng bà. Màu đỏ của nó sáng lên trong màn đêm. Nam Giao nhìn sang nơi khác. Cảm giác trơ trọi vắt kiệt cả thân thể cũng không ứa nổi một giọt nước mắt.
Mưa kéo dài. Mưa không mệt mỏi. Mưa thức thâu đêm. Mưa giăng cái cớ hiển nhiên trắng xóa giữ Nam Giao ngồi lại nhiều giờ, không có mưa, cô không đủ can đảm. Giọng ca nghẹn ngào thốc vào ngực “Dốc Nam Giao còn cao mong đợi, thuyền Bến Ngự còn đợi anh về”. Âm thanh nấc lên, run rẩy “Có nhớ xin trở về. Có nhớ xin trở về… đây”. Không ai trở về cả. Cô lơ ngơ giữa cuộc đời.
Nam Giao nâng tách trà nguội ngắt, hớp một ngụm lớn. Có bóng người vụt qua cắt ngang màn mưa dày đặc. Cô không ngẩng lên. Chẳng còn hy vọng gì nữa. Tiếng chủ quán càu nhàu:
− Mưa gió thế này mà ông đi đâu vậy?
Giọng đàn ông mềm oặt vì rượu:
− Mưa gió thì làm sao? Mưa gió không quật chết được tôi. Ừm… ừm để tôi nói cho bà biết, trên đời này không có thứ gì quật chết được tôi, ngoại trừ bà. Chà, lại gặp người quen ở đây…
− Ông lại uống cái thứ giết người ấy à? Ngồi yên đấy, tôi pha cho tách trà gừng giã rượu. Khổ thân chưa… mưa gió thế này!
Người đàn ông vừa ngồi xuống lại khệnh khạng đứng lên. Tay chân vướng víu khiến mấy chiếc ghế ở cạnh đổ kềnh ra đất.
− Bà không thích tôi đến thì tôi về đây.
− Lại vậy nữa rồi. Ông đi đâu? Vào trong này cho ấm. Vừa uống rượu vừa dầm mưa, ông muốn chết hay sao?
− Ừ, vẫn còn hơn là chết vì tình.− Người đàn ông cao giọng.− Chết vì tình là cái chết thình lình. Chết vì rượu là cái chết thành tựu. Ở đây có người chọn cái chết thình lình rồi nên tôi phải chọn cái chết thành tựu chứ sao.
Nam Giao tò mò ngước nhìn. Chủ quán bưng tách trà ra.
− Ông uống ngay đi cho nóng.
Bà tặc lưỡi, nói như than:
− Ướt sũng thế kia thì sức nào mà chịu cho xiết. Vào trong nhà đi, tôi bảo mấy đứa nhỏ lấy quần áo thay tạm rồi đưa ông về.
Người đàn ông nhìn sang vị khách tóc bạc tìm kiếm sự đồng tình:
− Đấy ông xem, đàn bà thích sắp đặt mọi thứ nhưng nếu đưa cả cuộc đời cho họ, họ lại không màng. Được thôi, tùy ý bà. Đàn ông chúng tôi thế nào cũng được. Bắt phanh trần phải phanh trần − Cho may ô, mới được phần may ô.
Chủ quán đỡ lấy tách trà, cười như mếu:
− Khuya lắm rồi. Hay tôi gọi điện sang bên ấy?
Vị khách tóc bạc đứng lên:
− Để anh đưa anh ấy về. Trên đường đi, anh sẽ gọi.
Sau một hồi vùng vẫy không kết quả, người đàn ông say mềm gào lên. Giọng riết nóng, khê nồng. Ông nguyền rủa chân tay như một lũ thừa thải vô dụng, chẳng biết sinh ra để làm cái gì. Chửi chán lại quay sang nhiếc mưa, mắng rượu vì đày ải cái thân ông khốn khổ. Cuối cùng cũng đứng yên, chịu phép. Chủ quán khẽ khàng:
− Đưa anh ấy về hộ em.
− Ừ, em vào đi. Hôm nay trời lạnh lắm. Khi ngủ nhớ đắp chăn nhé.
Người đàn ông trì lại khi bị đẩy ra ngoài:
− Để yên tôi nói với bà ấy một câu. Này, tôi bảo cho mà biết chết vì tiền là cái chết buồn phiền đấy. Tại sao bà không để tôi giúp bà? Tại sao bà không chịu nhận tiền của tôi? Bà khinh tôi vừa vừa thôi chứ.
− Cậu say quá rồi. Chúng ta về đi. Đừng làm phiền cô ấy nữa.
− Chúng ta đều chết cả rồi. Cậu chết vì tình. Tôi chết vì rượu. Bà ấy chết vì tiền. Vì chết cả nên chẳng ai giúp được ai. − Ông ngửa cổ cười sằng sặc, nói như hát − Chết vì tình là cái chết thình lình. Chết vì rượu là cái chết thành tựu. Chết vì tiền là cái chết buồn phiền. Chết cả rồi… chết cả…..
Chương 5
Ads Nam Giao nhăn mặt khi cảm giác đau nhói như cơn địa chấn xuyên qua lồng ngực. Chết ư? Chết không chừa một ai. Rẻ rúng hay lộng ngôn, vội vã hay chần chừ, ý thức hay mù lòa, thì cũng vậy thôi, tất cả đều bại trước nó. Chết là sở hữu chung không sợ mất phần, ai rồi cũng về tới đích. Thoắt nhẩn nha, thoắt vùn vụt, thoắt lạnh lùng là đặc tính của thời gian, vô tâm đến nghiệt ngã vì thời gian không mang trái tim người. Từng ngày trôi qua là những bước chân đến gần hơn nấm mồ của mỗi người, ở cuối con đường. Đau đớn nhất không phải là cái chết của chính mình mà là chứng kiến những cái chết.
− Uống với tôi náo! Chúng ta đi làm vài li đi. Tỉnh táo chỉ khiến người ta nhạt nhẽo và thủ đoạn với nhau thôi nên lúc nào tôi cũng say túy lúy… Nào, đi…
Hai người đàn ông đùm túm trong mưa. Chủ quán khom người trước đám li tách, dáng nhẫn nhục, chịu đựng. Người Nam Giao rung nhẹ. Giọng khẩn khoản của mẹ lại thấp thoáng quay về. “Đừng gọi anh về. Mẹ sẽ qua khỏi mà. Đừng gọi anh về, nhé con”. Có cái gì đó chặn