Một ngày mùa đông lạnh lẽo, trong quán chỉ có một cô gái trẻ
chạc tuổi tôi ngồi nhâm nhi tách café đen đặc. Quán vắng khách, tôi
tự thưởng cho mình một tách café tự chế và một ghế ngồi ở cửa sổ
thơ mộng, chìm đắm trong không gian tĩnh lặng và bản nhạc jazz chầm
chậm buông từng lời ngân nga. Lưu Ninh ngồi ở bàn đối diện, cũng
như tôi, cậu ấy tự thưởng cho mình khoảng thời gian thư thái. Ở
ngoài trời, tuyết lất phất bay. Trong màn đêm đen và dưới ánh đèn
đường tuyết hiện lên lóng lánh và kì diệu. Không một chiếc bút,
không chiếc máy ảnh hay máy quay nào có thể lưu lại được vẻ đẹp hút
hồn ấy bằng đôi mắt và tâm trạng của một người cô đơn.
Tuyết rơi càng lúc càng nhanh và dầy, như thể nếu không rơi gấp gáp
như vậy thì bầu trời sẽ bị sức nặng của tuyết khiến khoảng đen trên
kia vỡ oà rớt xuống vậy.
- Tớ rất thích những buổi tối tuyết rơi? – Lưu Ninh mở lời. Tôi
nhìn cậu ấy, ánh mắt lộ chút ngạc nhiên.
- Vì vào một buổi tối của mười năm trước, cũng như hôm nay, khi tớ
mười tuổi, tớ biết cảm giác có người thân là như thế nào. – Lưu
Ninh nói tiếp.
Tôi khoanh tay lên bàn, bò dài người ra như một con mèo, tròn mắt
nhìn Lưu Ninh và lặng im lắng nghe. Dường như hôm nay cậu ấy muốn
kể tôi nghe câu chuyện của cậu ấy khi còn nhỏ.
- Tớ đã từng là trẻ mồ côi. Cô nhi viện đã luôn là thứ gì đó khiến
tớ cảm thấy sợ hãi, thật sự rất đáng sợ. Lũ trẻ ở cô nhi viện luôn
dữ dằn, chúng sẵn sàng đánh nhau để giành lấy chút đồ ăn mà chẳng
quan tâm đến đứa nhỏ hơn mình đang khóc ngặt. Quần áo ấm đã là cả
giấc mơ chứ đừng nói đến quần áo đẹp hay mới. Đi suốt tuổi thơ tớ
không phải là lời mẹ ru, cũng chẳng vỗ về mà những lời đe doạ, mắng
mỏ trước khi đi ngủ. Trên tay những cô ở đó luôn lăm lăm một chiếc
roi mây, chỉ cần tay bẩn, chân bẩn, quần áo bẩn hay đến giờ ngủ có
ho he một chút, là cũng có thể nhận đòn roi… - Giọng nói Lưu Ninh
lúc nhanh lúc chậm, lúc ngắt quãng đứt đoạn, như những nhịp đập,
hơi thở của cậu đang thổn thức. Khoé mắt Lưu Ninh đỏ hoe, nhưng cậu
ấy cố ngăn nước mắt lại. Tôi mải nghe Lưu Ninh nói, mải chìm vào
tuổi thơ tôi, mà không biết rằng, nước mắt tôi nóng hổi trên gò
má.
Tôi đã từng có những năm tháng như vậy, nhưng kí ức của tôi rất mơ
màng. Mẹ đưa tôi về khi tôi chừng sáu bảy tuổi, khi tôi là một đứa
trẻ lang thang nhưng cuộc sống trước đó của tôi, có lẽ cũng như
anh. Tôi cũng đã từng sống trong cô nhi viện, một lần tôi trốn ra
ngoài theo các cô giáo đi chợ và bị lạc mất không tìm được đường
về. Từ đó tôi lang thang ngoài đường xin ăn. Mọi thứ chỉ chấm dứt
cho đến khi tôi gặp mẹ. Một giọt nước mắt của tôi lại lăn xuống và
được chặn lại bởi ngón tay nóng ấm của Lưu Ninh.
- Xin lỗi đã kể cho cậu nghe chuyện buồn như vậy. – Luu Ninh đến
bên tôi, tay khẽ đặt nhẹ bàn tay lên vai tôi – Nhưng mọi chuyện đã
qua rồi. Sau đó tớ được mẹ nhận nuôi và cho tớ đến
trường.
- Bây giờ cậu ở cùng họ không? Những người nhận cậu ấy.
Lưu Ninh lắc đầu.
- Hồi học cấp ba, tớ đi làm thêm vào cuối tuần và dành dụm số tiền
ấy. Học xong cấp ba tớ ra thuê nhà riêng và đi làm thêm, với học
pha chế đồ uống. Tớ biết tớ không phải là gánh nặng của bà ấy,
nhưng tớ nghĩ mình nên tự làm gì đó để báo đáp bà. – Lưu Ninh nhìn
tôi, mắt ánh lên một điều gì đó.
Đến giờ đóng cửa mà tuyết rơi mãi không ngớt. Vị khách duy nhất
trong quán đứng bên cạnh cửa kính nhìn ra ngoài một hồi lâu, đôi
mắt cô ấy cũng đỏ hoe. Cô gái trẻ lắc đầu, kéo chiếc mũ sau áo lên
đầu, đi thẳng vào màn tuyết dày đặc. Tôi và Lưu Ninh dọn dẹp quán
rồi cũng đóng cửa ra về. Giống cô gái trẻ ban nãy, tôi đứng trước
cửa kính một lúc lâu, nhìn tuyết rơi kèm theo gió cuốn ở bên ngoài
và kéo mũ áo lên. Lưu Ninh từ trong chạy ra với một chiếc
ô.
- Chờ chút. Tớ đưa cậu về.
Tôi ngập ngùng rồi đứng lại chờ Lưu Ninh. Với thời tiết như thế
này, quả thật tôi cũng không muốn về một mình. Chúng tôi đi giữa
từng đợt tuyết rơi, màn đêm nuốt chửng hai dáng người bằng gió rét.
Tay tôi đỏ ửng vì rét. Lưu Ninh nhìn rồi đưa ô cho tôi, cậu rút một
bên găng tay đưa cho tôi, nói nhanh: - Đeo vào, một tay để vào túi
áo của tớ.
Tôi làm theo lời cậu, lúc ấy, tay đeo găng tay thì Lưu Ninh cầm ô,
và hai bên túi áo của cậu ấy, một là có tay của thân chủ, một là có
tay của tôi. Chúng tôi bám vào nhau cứ thế đi về, chẳng ai nói với
ai điều gì. Thỉnh thoảng tôi lại bám chặt vào túi áo của cậu ấy để
giữ cho mình không bị trượt ngã bởi mặt đường phủ băng trơn. Thời
tiết khắc nghiệt với con người nơi đây, và ông trời cũng khắc
nghiệt với mảnh đất này như vậy. Chúng tôi cứ lặng im, để mặc cho
mỗi người đeo đuổi suy nghĩ của riêng mình.
Mất ba mươi phút chúng tôi mới về đến kí túc, gấp đôi thời gian mà
hằng ngày tôi vẫn dùng để đi đến quán café. Đứng ở ngoài kí túc,
tôi cầm ô và đứng kiễng lên để Lưu Ninh đeo găng tay, cậu ấy cứ
cười dáng điệu chới với của tôi làm tôi không dám nhìn cậu ấy. Có
phải khi cười, mọi chàng trai đều đẹp? Khi tôi đang nghĩ linh tinh
thì Lưu Ninh đã cầm lấy ô và nhẹ nhàng đặt vào má tôi một nụ hôn
nhẹ.
- Vào đi! Ngủ ngon nhé! – Lưu Ninh đẩy tôi chạy vào cửa và chờ đến
lúc tôi đi vào mới quay đi. Mặt tôi đỏ bừng, tôi vào cửa mà phải
đứng lại một lúc để định thần lại những việc vừa xảy ra. Khi tôi
bước cửa thì lại một lần nữa tôi giật mình. Tiếu Vũ đang đứng đó,
run rẩy.
- Tiếu Vũ! Sao anh lại ở đây?
CHAP 4
- Tiếu Vũ! Sao anh lại ở đây?
- Sao hôm nay em về muộn thế? – Tiếu Vũ hỏi tôi, có lẽ anh đã ở chờ
ở đây lâu lắm rồi.
Cạnh tôi, anh đứng run rẩy khiến tôi ngần ngại. Có lẽ anh đang
lạnh, chiếc áo khoác mỏng anh mặc trên người không đủ giữ ấm cho
một ngày rét buốt thế này. Bỗng dưng tôi cảm thấy áy náy, như thể
việc Tiếu Vũ đang run rẩy đứng đây là do tôi mà ra vậy.
- Cho em cái này này! – Tiếu Vũ rút từ trong túi áo ra một chiếc
túi nho nhỏ, đơn giản mà tôi cũng không biết bên trong đó là gì. Có
vẻ như biết tôi đang khá tò mò, anh nói tiếp: - Đợt vừa rồi anh vừa
về Nam Lãnh (một vùng quê cách thành phố này không xa) để chụp một
bộ ảnh. Anh thấy những món đồ thủ công họ làm rất đẹp và có lẽ em
sẽ thích nên…
Tôi nhìn Tiếu Vũ cười: - Anh đừng nói là anh vừa về đến nơi là đến
tìm em nhé, em sẽ áy náy lắm đấy.
Tiếu Vũ không nói gì, chỉ gãi gãi đầu, có vẻ như tôi đã nói đúng,
điều ấy lại khiến tôi trở nên bối rối. Bỗng trong đầu tôi thoáng
qua tên của Lưu Ninh khiến tôi lúng túng, tay mân mê túi cỏ nhỏ mà
Tiếu Vũ vừa đưa. Anh không nói gì, chỉ im lặng đứng bên nhìn tôi.
Không hiểu sao hôm nay con người có chiếc miệng dẻo của anh đi đâu
mất, lại là một cậu bé Tiếu Vũ đứng trước mặt tôi.
- Anh mặc ít thế, có đủ ấm không? – Tôi hỏi.
- Ừ, ra khỏi nhà là ngồi vào xe luôn nên anh quên lấy áo lông
vũ.
- Ngốc thế, thế bây giờ anh về đâu? Về nhà hay về kí
túc?
- Về kí túc thôi! Đám phòng anh còn rủ chơi điện tử.
Tôi lại cười. Anh lại bình dị như xưa thì phải. Vẫn một cuộc sống
sinh viên như tôi, và vẫn chơi điện tử như đám con trai của cái học
viện này hay bất cứ học viện khác.
- Em cười gì thế? – Anh ngại ngần hỏi tôi.
- Không, thích thì cười thôi. Mà này… - Tôi vừa nói vừa cởi khăn
quàng cổ đưa cho anh – Quàng vào, cho ấm. Ốm mà đổ lỗi tại em là em
không chịu trách nhiệm đâu!
Tiếu Vũ có vẻ hơi ngạc nhiên trước hành động của tôi. Về sau tôi
cũng thấy những gì mình làm không như những lời nói khắc nghiệt tôi
hay dành cho anh. Phải chăng bởi khoảng cách, bởi thời gian không
gặp mặt khiến tôi quên đi một góc nhỏ bé đáng ghét của anh? Hay
bởi, hôm nay tôi lại nhìn thấy anh, một người mà tôi đã từng quen
biết.
Bác quản lý lạch cạch mở cửa đi ra, tôi liếc nhìn đồng hồ, đã đến
giờ đóng cửa kí túc.
- Anh về nhanh đi, không lại không vào được kí túc.
- Ừ. Anh về nhé! – Tiếu Vũ nói, rồi gấp gáp đi ra khỏi cửa. Khi anh
đi qua cánh cửa kia tôi mới đi theo và nhìn thấy bóng dáng như một
cậu nhóc chạy vào trong màn tuyết đang rơi xoáy vòng.
Tôi cũng đi về phòng, trên tay vẫn nắm chặt túi cỏ Tiếu Vũ đưa.
Chiếc túi cỏ ấy có một mùi hương thơm dịu, mùi của đồng quê, của lá
cỏ mang đến cho tôi sự thoải mái. Nỗi buồn của một đêm quạnh vắng
dường như được thay thế bằng những cảm xúc khác. Tôi không phải là
một người tham lam, nhưng quả thật sự xuất hiện cùng một lúc khiến
trái tim tôi xao động và luôn bị giằng co. Có những lúc trái tim
tôi đã nghiêng hẳn về phía Lưu Ninh, nhưng Tiếu Vũ chợt xuất hiện
như thầm thì với tôi rằng “Anh không đồng ý em ở bên người đó” và
khiến tôi hoài nghi Lưu Ninh. Tôi không biết, không rõ, không xác
định được tình cảm tôi dành cho Tiếu Vũ là gì, nhưng, tôi luôn cảm
giác nếu tôi ở bên Lưu Ninh, anh ấy sẽ không vui, và nếu Tiếu Vũ
không vui, mẹ sẽ không hài lòng.
Một đêm buốt giá, tôi cuộn tròn trong chăn và ru mình vào giấc ngủ.
Chiếc túi cỏ ở đầu giường vẫn thoảng một mùi hương mát
dịu.
Sáng hôm sau, tôi tự thưởng cho mình một buổi sáng ngủ nướng thay
vì đi học. “Ở ngoài kia rét buốt biết bao nhiêu”, tôi nghĩ thầm và
nhắm mắt ngủ tiếp, mặc cho ba cô nàng phòng tôi đều đi học. Đôi khi
lười biếng cũng là một cách hưởng thụ cuộc sống này. Mãi đến gần
trưa tôi mới chịu rời khỏi chiếc chăn ấm áp để ngồi bên cạnh màn
hình máy tính và nhâm nhi một tách café. Thời gian như trôi chậm
lại. Tôi không ngại ngần vào trang của Tiếu Vũ để xem. Những bức
ảnh anh chụp luôn ẩn chứa một điều gì đấy rất mê hoặc, như thể ở đó
ẩn chứa cả thế giới của anh vậy. Việc xem những bức ảnh anh chụp đã
là mà nột niềm vui nhưng việc xem những bức ảnh hậu trường lại là
một niềm vui khác, thú vị hơn nhiều. Những bức ảnh của cậu bạn cùng
lớp đánh dấu anh là những bức ảnh ngộ nghĩnh. Một Tiếu Vũ dám bò
xuống nền đất, hay trèo lên cây để chụp những bức ảnh đẹp. Cả những
bức ảnh anh lụi hụi cầm những cọng cỏ nhỏ bé tập kết một thứ gì đó,
giống như túi cỏ ở phía đầu giường của tôi. Tôi không đoán già đoán
non thêm gì nữa, nhưng trong lòng thấy ấm áp lạ thường.
- Này! – Cánh cửa phòng mở ra với giọng lanh lảnh của Lưu Linh. Cô
nàng dúi vào tay tôi một cái túi, mà bên trong là chiếc khăn của
tôi.
- Chàng đưa cho nàng mà nàng không đến lớp, làm chàng ngại ngùng đi
tìm lớp trưởng hỏi xem ai ở cùng phòng với nàng mang về giúp nàng
đấy. – Lan Phương tua một tràng, giọng giễu cợt.
- Và nhờ Lan Phương, lại có thêm một câu chuyện về chàng và nàng
được thêu dệt ở trên lớp. Giờ lớp mình cứ sôi xình xịch trước động
thái của chàng và nàng. – Kỳ Yến, cô bạn còn gọi trong phòng bước
vào, nói thêm cho tôi biết rõ tình hình.
- Và nàng thì đang ngồi xem trang của chàng, có lẽ còn tủm tỉm cười
nữa. – Lưu Linh bỗng dưng hùa cùng cả đám trêu tôi. Lần này thì tôi
không biết chối thế nào, đành ngồi im chịu trận.
http://voztruyen.wap.sh/ chuc cac ban vui ve)
Đôi khi đa số không chấp nhận bản chất của sự thật mà họ chỉ chấp
nhận viễn cảnh họ đã dựng ra.
Và sự thực là, bất luận bạn tiếp nhận hay không tiếp nhận sự thực
thì sự thực vẫn là sự thực, những gì qua thêu dệt và bày đặt sẽ bị
mài mòn theo thời gian, chỉ còn chân lý, chỉ còn những gì vững chãi
qua bia miệng sẽ chẳng thể thay đổi.
Buổi tối tôi phải đi làm bù cho một tuần trước tôi không đi làm
nhưng điều ấy không khiến tôi khó chịu mà còn cho giúp tôi trốn
thoát bởi sự trêu chọc của những cô nàng nghịch ngợm. Tôi rời khỏi
phòng từ chiều, chẳng để làm gì, chỉ đơn giản bởi khi tâm trạng
người ta khá lên nhiều, người ta sẽ đồng ý lộ diện bất kể nắng chói
chang hay mưa rét buốt. Nhưng, chiều nay nắng không chói, đương
nhiên mưa cũng không rơi. Ngập đất trời một màu trắng tinh khiết.
Tuyết phủ lên tất thảy những gì tuyết có thể phủ. Trên đường lưu
lại nhiều vết giày với nhiều kích cỡ khác nhau. Tôi chạy vào khoảng
tuyết xốp trắng muốt bên đường. Đôi boots cao cổ của tôi bị ngập
sâu vào trong tuyết, nhưng không phải vì vậy mà tôi kém phần nghịch
ngợm. Tôi rung nhẹ tán lá thông bên đường, những bông tuyết rơi lả
tả xuống phía dưới như tái tạo lại cảnh tuyết rơi. Giữa ánh nắng
nhạt, những bông tuyết lấp lánh xoay xoay. Tuyết chạm vào da mặt
tôi, mát lạnh. Có lẽ tôi sẽ cứ nghịch ngợm một lúc lâu nữa nếu
không phát hiện ra có một người đang đứng gần tôi, từ nãy đến
giờ.
- Em nghĩ bộ ảnh lần này anh nên đặt tên là gì? – Tiếu Vũ nháy mắt
trêu tôi.
- Sao anh cứ chụp trộm em thế?
- Đẹp thì chụp! – Anh thản nhiên nói.
- Đẹp cái đầu anh ý! – Tôi cau có.
- Anh nói tuyết đẹp, em đừng có tưởng bở nhé. Em chỉ làm nền cho
tuyết thôi.
- Nền này! – Tôi nói và ném thẳng vào Tiếu Vũ một nắm tuyết
to.
Anh không đề phòng nên lãnh trọn một trái cầu tuyết. Đương nhiên
anh không chịu thua, anh chạy đến bên đường, nắm một trái cầu tuyết
lớn thật lớn và ném về phía tôi. Chả dại gì mà đứng im để chịu đòn,
tôi bỏ chạy, còn Tiếu Vũ thì đuổi theo phía sau. Đến một khoảng đất
trống hơn thì cuộc chiến giữa chúng tôi thật sự bắt đầu. Cả hai cố
tìm những khoảng tuyết dầy nhất nhiều nhất để nặn cầu tuyết và
không ngừng ném về đối phương. CÓ lúc không kịp làm cầu tuyết, tôi
dồn một vốc tuyết, tiếp cận anh và hất thẳng vào đám tuyết ấy vào
mặt anh. Anh quỳ hẳn xuống như kẻ thua cuộc thì tôi cười hả hê,
nhưng Tiếu Vũ cũng không chịu thua, anh trả về phía tôi hai quả cầu
tuyết – trúng mặt – khi miệng tôi đang há rộng vì cười anh. Cảm
giác tuyết chạm vào mắt, chui vào mũi vào miệng quả thật là khó
chịu nhưng, dường như niềm vui lại xoá nhoà sự không thoải mái ấy.
Được ở bên anh, hồn nhiên như hai đứa trẻ có lẽ là quãng thời gian
đẹp nhất mà tôi và anh có. Trong vô thức, kí ức về quá khứ của tôi
hiện lên là những ngày tôi với anh bên nhau, là tuổi thơ chúng tôi
gắn liền với nhau, như thể bây giờ, thời điểm này tôi và anh đang
tái tạo ký ức vậy.
Sau khi đỡ hai trái “lựu đạn” của anh, tôi giả vờ giận dỗi đổ rầm
người xuống tuyết, không đau mà là một cảm giác thích thú khó tả.
Anh chẳng đỡ tôi dậy, chẳng dỗ dành tôi mà lấy máy ảnh ra bấm liên
tục. Ôi anh chàng nhiếp ảnh, sao cứ mãi tác nghiệp với tôi thế này!
Sau cùng, hai chúng tôi bắt tay giảng hoà và cả hai hì hục đắp một
chú người tuyết, đầu tròn thân tròn chẳng giống ai. Người tuyết ấy
có hai mắt là hai quả thông khô, mái tóc là những chiếc lá thông
xanh mướt, chiếc mũi dài từ một cành cây khô và chiếc miệng nhỏ
xinh được lấy từ ba mẩu kẹo mầu cầu vồng trong túi khoác của tôi.
Và tôi lại vinh dự được làm nền cho người tuyết ấy, Tiếu Vũ dường
như chẳng bao giờ bỏ sót bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống, là
vui, là buồn, là thơ mộng, lãng mạn hay dã man, anh đều muốn lưu
lại. Và tôi biết, tôi đang đi rất gần, rất gần tâm hồn anh, trái
tim anh.
- Đi ăn với anh nhé! – Anh ngỏ lời mời khi buổi chiều sôi động của
chúng tôi kết thúc và tôi không có lý do gì để từ chối.
***
- Em đến rồi! – Tôi chào chị Hiểu Thư khi bước vào quán. Lưu Ninh
đang pha chế đồ uống nên có lẽ không nhìn thấy tôi. Tôi còn chưa
biết phải cư xử thế nào vì nụ hôn tối qua nên tôi cũng im lặng đi
vào phòng thay đồ.
- Hai đứa này hôm nay sao thế nhỉ? – Chị Hiểu Thư lẩm bẩm, đủ để cả
hai đứa nghe thấy.
Lưu Ninh hôm nay không nói gì với tôi, có vẻ như cậu ấy đang giận
dỗi điều gì đó, hoặc là cậu ấy cũng thấy bối rối vì tối trước đã
trót lỡ hôn tôi. Mọi thứ hôm nay như một bản nhạc lỡ nhịp, các âm
thanh không hoà vào nhau mà rời rạc, lởm khởm thậm chí khiến người
nghe thấy ngột ngạt và muốn tháo chạy.
Nếu như những hôm khác, tôi sẽ chờ Lưu Ninh mở lời, nhưng hôm nay
thì khác. Ban chiều Tiếu Vũ đã mang cho tôi một tâm trạng thoải
mái, có lẽ bởi vậy mà tôi thấy mình bao dung hơn.
- Cậu có vẻ mệt? – Tôi mở lời, hỏi Lưu Ninh.
- Đôi chút!
- Có sốt không vậy? – Tôi đưa tay lên sờ trán Lưu Ninh, tôi e ngại
tối qua do đưa tôi về mà cậu ấy bị cảm, thì tôi là người có lỗi.
Nhưng Lưu Ninh lại tránh đi, khiến tôi có phần hụt
hẫng.
- Cậu và Tiếu Vũ, là thế nào? – Lưu Ninh nhìn thẳng vào mắt tôi với
một ánh nhìn khó hiểu.
- Bạn bè.
- Lúc nãy mình thấy cậu và Tiếu Vũ đi cùng nhau và có vẻ như cậu
rất vui. – Lưu Ninh nói, nét mặt có chút giận dỗi ngồ ngộ khiến tôi
phì cười.
- Ừ, mình với anh ấy đi ăn cùng nhau. Đúng là rất vui, nhưng mà sao
cậu lại biến thành trẻ con thế này, chàng trai trẻ? – Tôi nhéo vào
cánh tay Lưu Ninh.
- Cậu nói là cậu và Tiếu Vũ không có gì, chỉ là bạn
thôi.
- Bạn bè không thể đi ăn với nhau sao? Cậu đang nghĩ gì vậy? – Tôi
nói kéo dài giọng, cố tình trêu tức Lưu Ninh, hiếm hoi lắm tôi mới
bắt gặp cậu ấy trẻ con như vậy.
- Nghĩ gì kệ tớ! Cậu mang cho khách đi này, bàn số sáu! – Lưu Ninh
đặt tách café vào khay, nói với tôi giọng bực bội.
Tôi liếc nhìn Lưu Ninh rồi mang café ra cho khách. Lúc quay về quầy
phục vụ tôi cứ tủm tỉm cười và hình như Lưu Ninh càng bực tôi. Đôi
khi tôi không hiểu chính con người và trái tim tôi nghĩ gì. Khi ở
bên Lưu Ninh tôi thôi nghĩ về Tiếu Vũ và khi ở bên Tiếu Vũ thì tôi
chỉ nghĩ về anh mà thôi. Là do tôi đa tình hay do cả hai chàng trai
bên cạnh tôi đều quá đỗi quyến rũ và đáng yêu. Tôi luôn thích trẻ
nhỏ, và các chàng trai thì luôn biết cách vô tình biến thành những
cậu nhóc đáng yêu.
- Chẳng hiểu nổi cậu luôn! – Lưu Ninh có vẻ bức xúc.
- Hiểu gì?
- Cậu không có chút cảm xúc nào với tớ à? – Lưu Ninh hỏi, giọng bớt
gắt.
- Ừm… thú thực, có lúc mình thấy rất an toàn khi ở bên cậu và mình
cũng rất vui khi ở bên Tiếu Vũ. Có phải là do mình đa tình không? –
Tôi trả lời. Đó như là một câu trả lời khôn khéo vì sau đó Lưu Ninh
không bực tức mà trở nên bối rối, vì câu trả lời rất thực lòng mà
lại như một câu hỏi dành cho cậu ấy.
- Chỉ cần cơ hội vẫn còn, mình sẽ đợi! – Lưu Ninh nhẹ nhàng nói,
rồi nghĩ ra điều gì, cậu ấy nói tiếp – À, không đơn giản chỉ là chờ
đợi.
Tôi lại được phen thót tim với anh chàng này. Lưu Ninh quả đúng là
một con người khó hiểu. Nhưng dù nói gì thì nói, với tôi cả hai đều
rất quan trọng, họ luôn khiến tôi thấy an toàn và có cảm giác ấm
áp. Tôi đã quên đi những gì gọi là giả dối hay thiếu chân thành ở
Tiếu Vũ và cũng luôn nhớ rằng, Lưu Ninh là một người sống rất tình
cảm và dù luôn điềm đạm, luôn lạc quan nhưng cậu ấy luôn cần một
người ở bên để sẻ chia những điều dù là giản dị nhất trong cuộc
sống.
Cuộc sống, đôi khi chỉ cần bình dị và ấm áp, đủ để ta quên những
nỗi đau đã qua và xoá đi những dối gian trong quá khứ.
Nhưng một bản nhạc với những giai điệu bình bình, những nốt nhạc
không chênh lại khiến ta khó cảm nhận được sự cần thiết của bình
lặng.
***
Đây là lần thứ tư, và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi đếm số lần
tôi gặp người phụ nữ ấy. Thanh tao, quý phái, sang trọng là vẻ đẹp
của mẹ anh, người phụ nữ mang tên một loài hoa – Phi
Điệp.
Số bốn là một số không may mắn, tôi nghĩ vậy. Cuộc gặp gỡ lần này
của tôi và bà không mấy tốt đẹp. Bà đến quán café nơi tôi làm việc
vào đầu giờ chiều của một ngày trong tuần, ngày thứ tư.
- Trên tầng hai có ai ngồi không? – Bà bước vào quán, hỏi một câu
hỏi lạ.
- Dạ, không ạ. – Tôi lễ phép trả lời. Bà khẽ gật đầu, nhìn vào thực
đơn và chọn một tách Nước Mắt Của Nắng rồi bước lên tầng. Tôi và
Lưu Ninh nhìn nhau với ánh mắt khó hiểu. Riêng tôi, tôi có chút dự
cảm không tốt.
Café đã pha xong nhưng tôi ngại ngần không muốn mang lên, Lưu Ninh
hiểu ý, mang giúp tôi nhưng khi bước xuống, nét mặt của cậu lộ một
chút gì đó bất ổn.
- Cô ấy nói là, nếu bây giờ không quá bận, cậu có thể lên nói
chuyện với cô ấy một chút không, chỉ mười hai mươi phút
thôi.
- Ừ, thế mình lên một chút, có gì gọi mình xuống nhé! – Tôi luống
cuống đi lên.
Lại thêm một lần nữa tôi ngồi đối diện người phụ nữ ấy. Khi tôi vừa
ngồi xuống ghế bà nhếch mép cười khó hiểu và nụ cười ấy còn được
lặp lại vài lần trong suốt cuộc nói chuyện. Bà điềm tĩnh nói từng
câu từng câu rành rọt, tôi chỉ có thể ngồi nghe, có vài lần môi tôi
mấp máy muốn nói điều gì đó nhưng bà không cho tôi cơ hội. Những
điều bà nói khiến tôi chết lặng người, mọi thứ trở nên quay cuồng.
Đâu mới là sự thật? Tôi cần phải tin ai? Vì sao lại phải cư xử như
vậy? Trong lúc này đây tôi ước, ước mẹ tôi chưa rời xa cõi đời này
để tôi có thể hỏi, để tôi tìm được ánh mắt chất chứa tin yêu. Nước
mắt tôi rơi lúc nào mà chính tôi không hay biết, người phụ nữ ấy
dừng lại vài ba giây, đủ để lấy cho tôi chiếc khăn giấy và rồi bà
ấy lại tiếp tục nói. Chưa khi nào thời gian nặng nề và chậm chạp
như vậy, chỉ hai mươi phút thôi mà tôi ngỡ hai mươi năm trời, quá
khứ, hiện tại và tương lai, đâu mới là sự thực? Thời gian và những
lời nói của bà như chiếc mai rùa chụp lên đôi vai tôi, đè chặt tôi
ngồi dính lấy chiếc ghế bên dưới, hoàn toàn bất động. Sau cùng,
trước khi rời quán với những bước đi lạnh lùng, bà nói với
tôi:
- Cháu hãy cứ suy nghĩ thật kỹ, sự thật luôn là sự thật, dù cháu có
trốn tránh, dù cháu muốn hay không muốn tiếp nhận thì sự thật vẫn
luôn ở đó và không thể thay đổi được. Cháu là một cô bé thông minh,
cháu biết đâu là đúng đâu là sai, và đâu là điều tốt nhất cho cháu
vào lúc này!
Khi bà rời khỏi được khoảng năm phút, Lưu Ninh hấp tấp chạy lên.
Nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của tôi, Lưu Ninh gắt lên bực tức: - Bà ấy
đã nói gì với cậu thế?
Tôi chỉ biết lắc đầu. Những điều này tôi có thể chia sẻ với Lưu
Ninh sao? Mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát và phán đoán của tôi. Tôi
nên đeo đuổi sự thật hay buông xuôi và phớt lờ mọi thứ đi, coi như
tất cả chỉ là một giấc mơ?
Tôi bước vào phòng vệ sinh để rửa mặt. Làn nước lạnh buốt khiến
khuôn mặt tôi trở nên tê lại. Mắt vẫn hơi đỏ nhưng tôi cố hít thở
để lấy lại bình tĩnh. Công việc của tôi yêu cầu tôi phải tươi cười,
lý do ấy cũng khá hợp lý khiến tôi cất giấu nội tâm mình vào thật
sâu thật sâu. “Lệ Dương, cố lên! Làm tốt việc của mình!” tôi tự
nhủ.
- Tớ không sao đâu! – Tôi nở nụ cười gượng gạo, nói với Lưu Ninh
khi trở về quầy phục vụ.
- Không sao thật chứ? – Lưu Ninh nhìn tôi, vẻ nghi ngờ.
- Không sao! Tớ sẽ tự thưởng cho mình một tách café để lấy lại tinh
thần. Cậu nghĩ xem, tớ nên uống loại nào nhỉ?
- Café sữa! – Lưu Ninh đáp.
- Bèo thế á? – Tôi trêu cậu ấy.
- Cậu thật là lắm chuyện. – Lưu Ninh càu nhàu rồi không nói thêm mà
pha cho tôi một tách café, tôi biết chắc đó không phải là café
sữa.
Một lúc sau Lưu Ninh đưa cho tôi một tách café với thái độ không
giống như đang dỗ dành một người đang buồn cho lắm.
- Mời đại tiểu thư. Cậu đúng là to gan, trốn làm, lại còn khóc nhè
tùm lum, rồi thì đòi uống café, cẩn thận tớ mách chị Hiểu Thư
đấy.
- Cậu doạ tớ à?
- Doạ chứ sao không doạ. Doạ cho bớt cái tội…
- Tội gì?
- Chẳng tội gì cả. Thôi, ra góc kia ngồi một mình đi. Tớ đang muốn
thử chế loại café mới.
Lưu Ninh đúng là rất hiểu tôi. Cậu ấy biết tôi cần một mình, biết
tôi cần gắng gượng để trở nên mạnh mẽ, vậy nên, cậu ấy luôn biết
cách làm tôi thấy được chở che và an ủi. Cậu ấy đưa cho tôi một
tách cacao thay vì café. Sự ấm áp bất tận trong ngày đông giá rét
và sự buốt giá của lòng người. Có ai đó nói rằng chocolate sẽ mang
đi những nỗi buồn và đem đến những giây phút yên bình, phải chăng
Lưu Ninh cũng giống như một thanh chocolate vậy, cậu ấy có những
lời nói đắng ngắt bao quanh một tâm hồn ngọt ngào. Nếu như chiều
hôm ấy không có Lưu Ninh, có lẽ tôi đã không bình tĩnh được đến như
vậy.
Tôi tránh gặp Tiếu Vũ trong vài ngày, tôi không trả lời tin nhắn,
cũng không nghe điện thoại của anh. Mỗi khi không phải đi học, tôi
đi làm hoặc trốn mình vào một góc nhỏ ở thư viện.
Gần đây tôi gầy đi, điều ấy khiến Lưu Ninh lo lắng. Tôi không thể
thú nhận với cậu ấy rằng những cơn ác mộng chập chờn, những băn
khoăn vướng mắc làm tôi mất ngủ. Tôi rất muốn quên, muốn tránh Tiếu
Vũ nhưng có lẽ lãng quên hay chạy trốn không phải là một cách làm
hay, bởi điều ấy sẽ luôn đeo đuổi bạn, dù cho bạn có chạy đến
phương trời nào. Như hôm nay vậy, anh đã tìm thấy tôi. Đối diện hay
lừa dối?
CHAP 5
Rồi việc gì cần phải đến sẽ đến, Tiếu Vũ một lần nữa tìm ra tôi.
Tôi quay lại với căn nhà cũ, nhà của mẹ và tôi. Tôi muốn tìm một
chút yên bình cho chính mình và cũng muốn về căn nhà cũ, biết đâu
tôi sẽ tìm thấy một món đồ thất lạc nào đó. Tối qua, tôi tìm khắp
nơi, từ tủ quần áo, gầm giường đến tất cả những chiếc hộp nho nhỏ
cũ kỹ nhưng chỉ có những tấm hình của tôi và mẹ chụp chung, cả
những chiếc giấy khen từ hồi tôi còn bé. Tuyệt nhiên không có thứ
gì như lời bà ấy – mẹ Tiếu Vũ nói nhưng tôi không hiểu sao chính
tôi lại có linh cảm rằng, trong những lời nói ấy có một phần sự
thật. Lại thêm một đêm mất ngủ, nước mắt không ngần ngại rơi ướt
đẫm gối.
“Bác không biết mẹ cháu đã kể với cháu thế nào về câu chuyện khi
trước, về mối liên hệ của bà ấy với Tiếu Vũ nhưng đôi khi cháu nên
nghe sự việc từ nhiều chiều. Mẹ cháu nhận cháu về nuôi, tất nhiên
với cháu bà ấy là người tốt nhất, nhưng đôi khi hành động của một
người đều có mục đích và sắp đặt sẵn.
Tiếu Vũ đang theo đuổi cháu phải không? Cháu có nghĩ rằng Tiếu Vũ
thật sự thích cháu không hay bởi lý do khác? Hôm cháu đến nhà bác
dự tiệc mừng Tiếu Vũ, đêm hôm ấy bác và bác trai đã tranh luận một
chút về việc mẹ đẻ của Tiếu Vũ, có lẽ Tiếu Vũ đã nghe được một phần
nào đó câu chuyện. Bác không biết tình cảm của cháu với Tiếu Vũ đến
đâu nhưng cháu nên suy nghĩ kỹ bởi có thể cháu sẽ là người chịu tổn
thương sau này.
Và một điều này nữa, bác không muốn xúc phạm người đã mất hay khiến
cháu phải áy náy về việc mẹ cháu đã làm, nhưng mẹ cháu là người
muốn phá vỡ gia đình vốn hạnh phúc của bác nhưng khi điều đó không
thể và cái thai trong bụng cũng quá lớn nên khi sinh xong Tiếu Vũ,
mẹ cháu để thằng bé trước cổng nhà và bỏ đi. Và cháu, cũng đã từng
không phải là người phụ nữ tử tế, mà mẹ nào thì con đấy, bác không
nghĩ việc cháu và Tiếu Vũ yêu nhau là một quyết định đúng đắn. Cháu
nên nghĩ kỹ, dù sao bây giờ cuộc sống của cháu chỉ có mình cháu,
hạnh phúc hay đau khổ là do cháu lựa chọn thôi.”
(VozTruyen.Wap.Sh)
Những lời nói ấy dày vò tôi trong từng giây của giấc ngủ, chúng vặn
vẹo chút bản lĩnh con con trong tôi. Tôi muốn biết sự thật nhưng
tôi cũng sợ chịu phải đau đớn, dù thực sự, giờ đây, tôi cũng chịu
đựng đủ đớn đau rồi. Những cơn ác mộng dồn dập ùa về, vần vò trái
tim nhỏ bé. Tôi mơ thấy cảnh một đứa trẻ bị bỏ rơi giữa tuyết giá
lạnh, khuôn mặt nó từ đỏ chuyển sang trắng bệch rồi tím tái. Nó
khóc ngặt mà không có một ai ôm lấy nó vào lòng, dỗ dành, truyền
hơi ấm. Tay tôi với ra, với ra nhưng gió bão cuốn phăng đứa bé đi,
chỉ còn xót lại mảnh tã mỏng.
Sáng dậy, tôi mệt mỏi nhìn mọi thứ xung quanh. Kỳ thi đã kết thúc,
bây giờ còn tôi với kỳ nghỉ đông và những việc không tên. Và tôi
cần một tinh thần thoải mái để có những suy nghĩ sáng suốt nhất.
Tôi lười biếng chui ra khỏi chăn và quyết định sẽ đi mua một ít đồ
để nấu ăn. Nhưng khi tôi bước ra ngoài được một đoạn thì tôi gặp
anh.
- Em về nhà sao không nói với anh? - Anh bước đến bên tôi, và
hỏi.
- Em nghĩ là, em không phải nói với anh… - Tôi ấp úng trả
lời.
- Em đừng trốn tránh anh nữa, được không?
Anh vẫn mỉm cười với tôi bằng những gì ngọt ngào nhất, chỉ có tôi
là gượng gạo.
- Giờ em đi đâu thế? – Anh vẫn kiên nhẫn hỏi.
- Em đi mua ít đồ về nấu ăn. – Tôi miễn cưỡng trả lời.
- Anh đưa em đi. – Anh nói rồi kéo tôi lên xe.
Lâu rồi tôi cũng không gặp và hầu như phớt lờ anh có lẽ vì vậy mà
tôi thấy anh có chút gì đó khác khác. Lời nói của người phụ nữ ấy
lại vang lên bên tai tôi, nếu Tiếu Vũ tiếp cận tôi chỉ vì muốn tìm
hiểu câu chuyện dở dang của ba mẹ anh ấy, hay còn bởi những nguyên
do đáng sợ hơn.
- Anh thi thế nào? Ổn chứ? – Tôi hỏi.
- Ừ, cũng bình thường. Em biết lớp anh mà, các thầy cô có bao giờ
gây khó khăn cho sinh viên đâu. – Anh nói, kèm theo một nụ cười
tươi.
- Thi xong anh về nhà chưa? Bố mẹ anh dạo này thế nào? – Tôi hỏi
một câu xã giao nhưng thực ra là để thăm dò xem thái độ của anh thế
nào. Anh nở một nụ cười kém tươi trả lời tôi:
- Anh chưa, gần đây anh không muốn về nhà, đang định qua nhà bạn
ở.
- Tết mà anh cũng không về à? – Tôi ngạc nhiên hỏi.
- À có, nhưng trước tết chắc anh qua nhà bạn ở, thỉnh thoảng anh
đến nhà em chơi được chứ?
Tôi không nói gì, chỉ cười. Khi đến siêu thị thì Tiếu Vũ lại như
một con người khác, mắt anh ánh lên một niềm vui hiếm gặp. Dù tôi
đã nói rằng tôi chỉ mua một ít đồ, lấy giỏ xách nhỏ được rồi nhưng
Tiếu Vũ nằng nặc đòi đẩy xe, anh còn bắt tôi ngồi lên xe để anh đẩy
nhưng tôi to như con voi còi làm sao mà dám ngồi lên, tôi lườm mãi
Tiếu Vũ mới chịu để yên cho tôi được đi bằng đôi chân của mình, còn
anh ấy thì vui vẻ với chiếc xe đẩy. Đi qua gian hàng nào Tiếu Vũ
cũng cố nán lại một tí, cầm cái này lên, đặt cái kia xuống, trông
anh ấy không khác một cậu bé tham lam chút nào.
- Lệ Dương! Mua sườn! – Tiếu Vũ reo lên thích thú. Tôi nhìn anh với
vẻ mặt có dán dấu hỏi to tướng trên trán, thấy vậy anh nói
tiếp:
- Anh muốn ăn sườn xào chua ngọt!
- Anh tự nấu nhé! – Tôi hơi bực mình, tự dưng anh xuất hiện khi tôi
đang cố trốn anh còn anh thì cứ ngây thơ vô số tội.
- Ừ, anh nấu cho.
Nói rồi anh không thèm để ý đến tôi mà đi nói chuyện với cô bán
thịt lợn. Cũng rảnh, tôi đỡ phải bị những cử chỉ của anh khiến tôi
rối trí. Và tôi chọn sự đối mặt. Chỉ có đối mặt mới dễ dàng tìm
được câu trả lời chính xác nhất, nhanh nhất và cũng đau đớn
nhất.
Tiếu Vũ mua xong sườn thì đẩy xe về phía tôi và kéo tôi sang hàng
bán rau, mặc kệ tôi đang xem mấy loại hoa quả.
- Hành, tỏi, dấm, đường… - Tiếu Vũ lẩm nhẩm trong miệng, đủ để tôi
nghe thấy.
- Anh định nấu thật đấy à? – Tôi hỏi.
- Anh đùa em làm gì? Đây là lần đầu tiên anh được đi siêu thị thế
này, phải kỉ niệm chứ?
Tôi thừ người ra vài giây, chẳng trách anh vui đến vậy. Rồi một suy
nghĩ vụt qua trong đầu tôi.
- Thế anh nấu ăn bao giờ chưa? Có vào bếp được không
đấy?
- Chưa nấu bao giờ, nhưng em yên tâm đi, anh có Baidu rồi. – Anh
trả lời đầy tự tin, có lẽ người nghi ngại chỉ là tôi.
Sau khi thanh toán xong tiền tôi và anh khệ nệ mang đồ ra xe. Với
lượng đồ mua hôm nay chắc một tháng tôi mới ăn hết. Trên đường về
tôi im lặng, còn anh thì mở những bản nhạc vui nhộn. Tôi thì còn
đang mải suy nghĩ nhớ lại xem ở nhà có đồ đạc gì anh không thể nhìn
thấy hay không. Nếu như anh nhìn thấy bức hình hồi nhỏ của anh thì
anh sẽ nghĩ gì, hỏi gì nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác.
Tôi ngập ngừng nói:
- Tiếu Vũ!
- Gì em?
- Nhà em hơi bừa bộn một chút, tí anh đứng ngoài một lúc để em dọn
dẹp nhà trước khi anh vào được không?
- Lộ rồi nhé! Hoá ra em là một cô gái không mấy gọn gàng. Anh thấy
em không tự nhiên nên cứ nghĩ là em ghét anh không muốn cho anh vào
nhà cơ, hoá ra là do bừa bộn.
Tôi cười trừ, liệu trong anh có toan tính gì hay không? Ai mà biết
được!
Khi chúng tôi về đến nhà đã là mười giờ hơn. Tôi để Tiếu Vũ đứng ở
ngoài chờ, còn tôi thì vào nhà kiểm tra lại một lần nữa xem có nơi
nào in bóng dáng của anh hay không. Gần hai mươi phút sau tôi mới
mở cửa cho Tiếu Vũ vào.
- Em dọn dẹp cũng nhanh quá nhỉ! – Tiếu Vũ đùa.
- Tại có một con cá sấu hầm hè ngoài cửa ấy mà. – Tôi đùa lại, có
vẻ như làm vậy thì anh sẽ không nghi ngờ gì. Tiếu Vũ để đồ vào bếp
và ngó nghiêng quanh nhà.
- Ở một mình em có sợ không?
Tôi không nói gì bởi tôi không nghĩ anh sẽ hỏi vậy. Từ khi mẹ mất,
tôi vẫn về nhà vào cuối tuần, có đôi lúc tôi thấy ngại ngần và e sợ
nhưng chưa từng ai hỏi tôi về điều ấy, và cũng tôi cũng chưa từng
nói với Tiếu Vũ rằng tôi ở một mình. Có chăng, có một lần anh theo
tôi đến mộ của mẹ. Thấy tôi im lặng, Tiếu Vũ lại nói:
- Nếu khi nào thấy sợ quá mà cần người bên cạnh thì em gọi anh nhé,
anh sẽ có mặt ngay tức khắc!
- Có anh còn đáng sợ hơn. – Tôi nguýt dài – Anh nấu cơm
đi.
- Ừ ừ, nấu ngay đây. Em thật là ghê gớm. Mà anh nấu cơm thì em làm
gì? Ngồi chơi à?
- Dọn nhà!
Sau khi lấy đủ loại dụng cụ nấu ăn cho Tiếu Vũ, tôi sắp xếp bớt
những đồ chưa cần dùng vào tủ lạnh rồi đi ra phía ngoài để dọn dẹp
nhà cửa. Quả thật căn nhà này không khác nhà trống là mấy, trên bàn
ghế vẫn còn vết bụi mờ. Bình thường cứ cuối tuần tôi lại về nhà lau
dọn nhưng hai tuần gần đây bận ôn thi và lịch thi dày đặc nên tôi
đành ở lại trường, tối qua vừa về đến nhà tôi đã bới tung cả nhà
lên mà quên mất việc dọn dẹp nó. Tôi cặm cụi lau từng ly từng tý,
nhiều ký ức hiện về trong tôi. Chiếc bàn gỗ này là nơi tôi hay ngồi
học. Hồi nhỏ tôi luôn lấy cớ không hiểu bài để chạy ra đây học bài
thay vì ngồi trong phòng nhàm chán. Chiếc bàn này cũng là nơi tôi
với mẹ ngồi ăn cơm, những món ăn do mẹ nấu, hương vị của tình mẫu
tử luôn là hương vị ngọt ngào nhất, nhớ hương vị ấy quá. Mẹ có nhớ
tôi như tôi nhớ mẹ không, mẹ có luôn ở bên tôi, hay chí ít là ngay
lúc này, linh hồn mẹ có ở đây không? “Mẹ à, Tiếu Vũ đến nhà mình
này, mẹ có vui không?” Tôi đang mơ màng nghĩ vẩn vơ thì một tiếng
hét trong bếp khiến tôi giật mình, cầm nguyên chiếc giẻ đầy bụi bẩn
tôi chạy vào bếp, Tiếu Vũ đang nhảy như giẫm phải đinh, không ngừng
rên rỉ.
- Anh sao thế? Đứt tay hay bị làm sao à? – Tôi luống cuống
hỏi.
- Hành, cay quá. Thái hành, cay.
- Thế mà anh cứ kêu như bò rống ấy! – Tôi bực tức đi ra ngoài tiếp
tục dọn dẹp.
Nói là bực tức nhưng tôi lại nhanh chóng hạ hoả bởi Tiếu Vũ là một
chàng công tử bột chính hiệu, gia đình gia thế như vậy, lại là quý
tử chẳng ai để anh phải động tay động chân vào những việc ấy. Còn
tôi, tôi cứ xem như mình chưa từng nghe, chưa từng biết điều gì về
anh để xem anh sẽ “diễn” đến đâu. Nhếch môi cười nhạt, tôi cười cho
chính trái tim dần trở nên toan tính của mình. Ba phút sau, thì
trong bếp lại vang lên những tiếng hét khó chịu, tôi vẫn cầm nguyên
chiếc giẻ chạy vào bếp. Tiếu Vũ thấy tôi mặc dù khó chịu, mắt nhoè
nhoẹt nước nhưng vẫn lộ vẻ sợ hãi. Có vẻ như anh đang sợ
tôi.
- Sao anh lớn đầu thế này mà lại sợ củ hành bé tý thế kia vậy nhỉ,
để đấy em làm cho. – Giọng tôi hơi gắt lên.
- Anh có sợ đâu. Tại nó cay quá! – Tiếu Vũ nói, một tay không ngừng
quệt nước mắt, tay kia mở vòi nước lấy một ít nước cho lên
mắt.
- Để em làm cho.
- Không, anh làm! – Tiếu Vũ ngoan cố - Em nói làm thế nào để không
bị cay nữa đi.
- Anh nhúng hành vào nước đi, thái chậm thôi, bớt cay đi đấy. – Tôi
dịu giọng.
Anh vụng về cầm dao và thái tiếp. Củ hành bé tý không vừa với bàn
tay anh khiến bàn tay anh trở nên cồng kềnh hơn. Cứ khi nào định
đặt dao xuống, anh lại lúng túng như thể sợ cắt vào tay mình vậy,
tôi muốn ở đó để xem anh sẽ tiếp tục như nào, nhưng hình như Tiếu
Vũ thấy ngại khi tôi cứ chằm chằm nhìn anh như vậy. Anh nói mà
không quay lại:
- Cái giẻ em đang cầm trên tay là hơi bị bẩn đấy nhé, đừng có dây
vào thức ăn anh làm đấy. Em chưa dọn dẹp xong thì làm tiếp việc của
mình đi. Nhà có con gái mà loạn không khác nhà của đàn ông li dị vợ
ấy.
- Em là đàn ông li dị vợ đấy.
(bạn đang đọc truyện tại http://voztruyen.wap.sh ,chúc các bạn vui
vẻ)
Sau khi tôi đi ra thì không gian lại im ắng. Sau khi lau dọn nhà
xong, tôi đi vào phòng kiểm tra lại một lần nữa. Tôi muốn chắc chắn
rằng sẽ không lộ ra điều gì khiến Tiếu Vũ tò mò. Tôi cất bức ảnh
hồi nhỏ của anh vào tủ quần áo, cả những giấy tờ của mẹ tôi. Nhưng
khi tôi để những vật ấy vào đáy tủ, tay tôi bỗng nhói đau. Tôi rút
vội tay ra và thấy tay mình bị chảy máu, một nốt nhỏ như là đầu kim
khâu. Linh cảm trong tôi nói rằng, có một bí mật gì đó ẩn giấu ở
đây. Tôi bới vội những bộ quần áo được gấp gọn gàng, ở phía dưới
hiện ra những cây kim con con nằm rải rác. Nhưng thủ phạm khiến tôi
chảy máu lại là một cây kim gắn ở mặt trong của tủ. Nhìn kĩ thì đấy
là một miếng gỗ rời với chiếc tủ. Tôi chạy qua nhìn mặt ngang bên
ngoài của chiếc tủ và thật lạ, khoảng cách từ mặt trong đến mặt
ngoài của tủ còn dư mười centimet. Vậy khoảng trống ở giữa là
gì?
Tôi dùng tay cậy thử miếng gỗ ở giữa ấy ra nhưng ở bên trong có vật
gì đó cản lại. Tôi đang chưa biết làm cách nào để cạy miếng gỗ ấy
thì tiếng động trong bếp khiến tôi giật mình.
Xoảng… xoảng… xoảng! Tiếng đồ vật rơi vỡ liên tiếp vọng ra từ bếp.
Tôi phủ vội quần áo che miếng gỗ kia đi, đóng tủ quần áo rồi chạy
ra ngoài.
- Sao thế Tiếu Vũ? – Tôi hỏi khi chưa chạy đến bếp. Anh không trả
lời, nhưng cảnh trước mắt tôi đã thay anh nói lên tất
cả.
Trong bếp đang diễn ra cuộc chiến hoang tàn giữa Tiếu Vũ và món
sườn xào chua ngọt. Trên bếp ga, chiếc chảo đang nằm ngoan ngoãn
không ngừng nổ lách cách và bắn lên những giọt dầu, phía dưới, lửa
không phải màu xanh mà trở thành màu vàng khi la liếm những giọt
dầu ở bên ngoài và ở cả miệng chảo. Thế là đủ để tôi hiểu tình
hình, Tiếu Vũ chắc chắn đã cho thịt quá ướt vào chảo dầu. Nhưng
hình ảnh của đối thủ của món ăn kia, tôi bị giật mình thực
sự.
Tiếu Vũ không ngừng nhảy nhót theo tiếng nổ của dầu mỡ. Chiếc áo
khoác ngoài được kéo kín tận cổ, che kín cả cằm. Còn trên tay Tiếu
Vũ, một bên là đôi đũa đưa ra dũng mãnh, một bên là chiếc vung nồi
khá lớn còn đang rỏ nước tong tong. Thấy anh như vậy tôi vừa giận
vừa buồn cười, chạy vào tắt bếp. Trên tay Tiếu Vũ vẫn cầm chắc đôi
đũa, anh dùng cánh tay đưa lên trán lau những giọt mồ hôi đang lăn.
Có vẻ như trong cuộc chiến này, Tiếu Vũ đã trở thành kẻ bại trận,
còn tôi, có lẽ là vị cứu tinh của anh ấy.
- Anh ra ngoài nghỉ đi, em làm nốt cho.
Nhìn ánh mắt có chút giận dữ của tôi, Tiếu Vũ ngoan ngoãn hạ vũ khí
và đi ra ngoài. Tôi rót cho anh một cốc nước, và không quên trấn an
tinh thần “cậu bé”:
- Chắc anh đói rồi. Chờ một lát, em làm xong ngay.
Dù cũng khá mệt sau khi dọn nhà, nhưng tôi không muốn chiều nay
phải dọn dẹp thêm bãi chiến trường nào nữa. Tôi bắt tay vào công
việc của mình, thỉnh thoảng tôi lại ngó ra ngoài để xem Tiếu Vũ có
động tĩnh gì lạ không. Tuyệt nhiên không, anh ngồi trên ghế, tay
cầm bịch bim bim mua ban nãy và đang xem Vua Hải Tặc, miệng cười
ngoác.
Khoảng ba mươi phút sau, tôi gọi Tiếu Vũ vào bếp.
- Anh lấy bát đũa đi, rồi mang nồi cơm với đĩa rau này ra ngoài hộ
em. – Tôi chỉ vào đĩa rau bên cạnh – món ăn với cái tên cầu kỳ - Hà
Đường Nguyệt Sắc. Món ăn có màu xanh của đỗ Hà Lan, súp lơ; màu
trắng của củ sen và màu da cam của cà rốt. Tiếu Vũ thấy vậy nhìn
tôi ngạc nhiên.
- Em biết làm món này à? Anh thích món này cực! Sao em biết
nhỉ?
Tôi chỉ cười. Từ nhỏ mẹ đã dạy tôi nấu ăn, tôi cũng thích vào bếp
với mẹ. Có lúc, đang nấu ăn mẹ lại nhắc lại chuyện cũ, lúc mẹ đang
mang thai Tiếu Vũ mẹ rất thích ăn món này. Bố Tiếu Vũ có lần cũng
vào bếp nấu cho mẹ ăn. Không ngờ Tiếu Vũ cũng vậy, giống
mẹ.
- Món này là món gì? – Tiếu Vũ chỉ vào bát canh.
- Canh củ cải tôm. – Tôi trả lời.
- Em học văn mà chẳng lãng mạn tí nào, phải đặt tên nào bay bổng
chút chứ!
- Anh đi mà đặt tên. – Tôi nói cụt lủn, rồi gảy cơm vào
miệng.
- Mà sao em nấu ăn ngon thế? Sau này ai lấy em thì thích. – Anh bắt
đầu đổi chủ đề.
Tôi im lặng, tiếp tục ăn, thi thoảng mắt hướng lên tivi mà không
nói chuyện với Tiếu Vũ. Biết là tôi cố tình phớt lờ anh, Tiếu Vũ
cũng im lặng. Ngôi nhà bống dưng trở nên yên ắng lạ thường. Âm
thanh nổi trội lúc ấy là tiếng cười của đám đông khán giả trong một
chương trình giải trí trên ti vi, tiếng bát đũa lạch cạch, tiếng
của những hơi thở và cả tiếng im lặng của suy nghĩ chạy trong đầu.
Tiếu Vũ đưa bát ra trước mặt tôi.
- Cho anh xin bát cơm nữa.
Tôi đặt bát cơm của mình xuống và đỡ lấy bát của Tiếu Vũ. Anh không
đưa bát cho tôi mà đặt xuống bàn, tay nắm nhanh lấy tay của tôi.
Giật mình, tôi rút tay ra nhưng anh đã giữ chặt lấy bàn tay tôi.
Mắt anh nhìn chằm chằm vào bàn tay ấy. Tôi ngượng ngùng đỏ bừng cả
mặt nhưng Tiếu Vũ không để ý, anh nhìn một lúc, chừng hai ba phút
mới ngẩng mặt lên nhìn tôi, hỏi:
- Tay em bị sao thế? Sao lại bị sưng hết đầu ngón tay thế này? –
Tiếu Vũ sờ vào đầu ngón tay tôi.
- Lúc nãy em dọn dẹp, chẳng biết sưng lúc nào.
- Thế còn cái này? – Tiếu Vũ chỉ vào vết kim châm.
Một vết bé tí mà anh cũng nhận ra, đúng là máu nhà báo nhiễm vào
anh thật rồi. Tôi rút tay ra mà không trả lời. Tôi nhìn anh vẻ đầy
nghi ngại. Cảm giác sợ hãi lấn át lí trí của tôi. Mơ hồ tôi sợ, sợ
anh bám đuổi sự thực về cha mẹ anh, tôi sợ sự thật sẽ làm anh tổn
thương. Và tôi cũng sợ, sợ nếu như anh đối xử với tôi chỉ vì mục
đích tìm câu trả lời cho sự hiếu kỳ của anh, có phải trái tim tôi
sẽ bị tổn thương hay không? Thấy tôi im lặng, Tiếu Vũ nhẹ nhàng
nói:
- Nếu đau thì không được giấu, nghe không. Ngốc nghếch?
- Anh thích em thật sao? – Tôi ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào đôi
mắt cương nghị của anh. Như ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, Tiếu
Vũ ấp úng, trong đôi mắt anh lộ rõ vẻ lúng túng.
- Sao em lại hỏi vậy? Rõ ràng là em biết anh đang theo đuổi em
mà.
- Anh thích em hay vì lý do khác mới ở bên cạnh em?
- Anh… thích em!
- Em cần câu trả lời thật lòng. Có thật là chỉ vì thích em mới ở
bên cạnh em không? – Tôi hỏi lại một lần nữa.
Tiếu Vũ tránh ánh mắt của tôi nói: - Anh… anh…
Tiếu Vũ chưa kịp nói hết câu thì ở ngoài cửa có tiếng bấm chuông
gấp và dài. Tôi nhìn anh, thở dài rồi đi ra phía cửa. Tiếng chuông
của vẫn gấp gáp và kéo dài.
Cạch… Tôi mở cửa ra và không giấu nổi sự ngạc nhiên bởi sự xuất
hiện của người đối diện. Tôi khẽ cúi đầu trước khi mở lời
chào.
CHAP 6
- Bác! Bác vào nhà ạ. – Tôi nói, giọng hơi run pha lẫn ngạc
nhiên.
- Để khi khác! Tiếu Vũ đang ở đây đúng không, cháu gọi nó ra bác có
chuyện cần nói với nó. – Bác Vỹ Đông – bố Tiếu Vũ nhẹ nhàng nói với
tôi.
- Bác chờ cháu một chút.
- Sao thế Lệ Dương? – Tiếu Vũ hỏi tôi.
- Bố anh đến, anh ra ngoài đi, bác tìm anh.
Tiếu Vũ nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, nhưng anh vẫn đi ra ngoài,
đến cửa anh khựng lại khi thấy bố mình. Anh bảo tôi dọn bát vào bếp
để lát nữa anh rửa, chắc anh không muốn tôi nghe cha con anh nói
chuyện. Họ nói chuyện với nhau khá lâu, đôi lúc tôi nghe thấy họ to
tiếng với nhau. Dù rất tò mò nhưng tôi thấy không tiện khi ngồi ở
phòng khách nên dọn dẹp đồ ăn, vào bếp rửa bát.
Khi rửa bát, suy nghĩ tôi mải miết chạy lòng vòng. Sao bố của Tiếu
Vũ lại biết anh ấy đang ở nhà tôi? Họ đang tranh luận về vấn đề gì
mà gay gắt đến vậy? Liệu bác ấy có hiểu lầm rằng tôi và Tiếu Vũ
đang yêu nhau hay không? Hay bác ấy sợ rằng Tiếu Vũ sẽ biết được sự
thật về thân thế của anh ấy?
- Ngốc! Đang nghĩ gì thế? – Tiếu Vũ bước vào chạm nhẹ tay vào gáy
tôi khiến tôi giật mình làm rớt bát vào chậu nước.
- Anh làm gì thế? Giật cả mình! – Tôi gắt.
- Ai bảo em cho anh ăn bánh bơ đội mũ phớt. Anh có việc, phải về
đây, em ngoan ngoãn dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng đi nhé, lần sau
anh sẽ nấu cơm rửa bát bù.
- Bác trai đâu?
- Bố anh về trước rồi, bố nhờ anh chuyển lời cáo từ đến em, và mời
em rảnh thì đến nhà chơi.
- Không có chuyện gì thật chứ? – Tôi hỏi.
Tiếu Vũ không nói gì, chỉ mỉm cười, véo má tôi một cái rõ đau. Càng
ngày anh ấy càng lấn lướt tôi. Nhưng còn trêu đùa tôi được như vậy,
có lẽ mọi chuyện vẫn ổn.
- Anh đi cẩn thận nhé! – Tôi nhìn Tiếu Vũ bước xuống cầu thang, nói
với theo.
Tiếu Vũ đi rồi tôi tiếp tục rửa bát và dọn dẹp nhà cửa. Mải suy
nghĩ về việc bác Vỹ Đông đến khiến tôi quên mất một việc quan trọng
hơn cần phải làm, đến khi bước vào phòng ngủ tôi mới nhớ ra có một
thứ tôi cần phải khám phá. Tôi ra ngoài chốt cửa cẩn thận, đảm bảo
trong nhà chỉ có một mình tôi. Khi tôi đi kéo lại rèm cửa sổ thì
phát hiện ở căn hộ của toà nhà đối diện có một người đàn ông đang
nhìn chằm chằm vào nhà tôi. Tôi hốt hoảng kéo nhanh rèm cửa, tim
đập loạn lên. Tôi ngồi thụp xuống, len lén nhìn vén một góc rèm, ở
bên kia, người đàn ông ấy vẫn ở đó, nhìn thẳng vào nhà tôi. Sự sợ
hãi len lỏi dần vào từng mạch máu, người tôi run lên bần bật, tôi
ngồi bệt xuống đất, lưng dựa vào tường, thở gấp. Rồi tôi nhẹ nhàng
đi về phía tủ quần áo tìm một bộ quần áo ngủ. Tôi thay quần áo rồi
lại kéo rèm cửa sau đó tôi đi lấy nước tưới mấu chậu hoa ở bên cửa
sổ. Người đàn ông kia đứng đó một lúc rồi bỏ đi và không quên kéo
cửa. Tôi thở hắt ra, dù trong lòng vẫn nơm nớp lo sợ.
Tôi không rõ người đàn ông lạ kia có phải là đang theo dõi căn hộ
tôi đang ở hay không hay chỉ là vô tình đứng đó? Có phải đó là một
kẻ biến thái mà vì tôi ít khi ở nhà nên không biết được? Hay bởi
tôi quá đa nghi mà thôi? Dù là thế nào, tôi cũng cần phải cẩn trọng
hơn. Tôi lấy điện thoại và gọi điện cho Lưu Linh.
- Sao thế, ngốc? Mới không gặp vài ngày mà đã nhớ tao rồi à? –
Giọng Lưu Linh hớn hở.
- Nhớ cái đầu mày ý? Đang làm gì đấy? Không bận thì qua nhà tao
đi!
- Có chuyện gì thế? Không chịu được ở một mình à?
- Chuyện dài lắm, qua đây đi, càng nhanh càng tốt nhé!
- Ừ, thế chờ đi.
Lưu Linh cúp máy còn tôi thì gấp quần áo trong lúc chờ đợi cô bạn
đến. Tôi không nghĩ việc khám phá bí mật lúc này lại là một việc
làm sáng suốt. Cửa sổ tôi vẫn để mà không kéo rèm, tôi đang bày vẽ
lên một trạng thái cây ngay không sợ chết đứng.
Khoảng ba mươi phút sau thì có tiếng đập cửa ầm ầm ở bên ngoài. Tôi
chưa vội mở cửa mà lấy điện thoại gọi cho Lưu Linh. Tôi chưa kịp
nói gì thì đầu máy bên kia đã vang lên giọng hét choe
choé:
- Ra mở cửa đi, gọi điện gì nữa thế?
Tôi thở phào, chạy ra mở cửa. Khi tôi vừa mở cánh cửa thì… bộp,
chiếc túi xách của Lưu Linh nằm gọn trong lòng tôi.
- Cái con ranh này, mày làm gì thế? Gọi tao đến rồi đập cửa cả
tiếng đồng hồ mà không chịu mở cửa, còn gọi điện xác minh nữa. Mày
có biết là vì cuộc điện thoại của mày mà tao bỏ cả đi mua sắm rồi
bắt taxi đến đây không? – Lưu Linh tua một tràng.
Tôi dập cửa mạnh bạo, nhìn Lưu Linh cười trừ.
- Xin lỗi, uống nước đi.
- Sao? Nói đi? Có chuyện gì?
Tôi kéo Lưu Linh ngồi xuống ghế và bắt đầu kể chuyện mẹ Tiếu Vũ đã
đến tìm gặp tôi. Chuyện tôi tránh Tiếu Vũ và cả việc anh đến đây,
sau đó bố anh đến tìm anh về. Lưu Linh ngồi bên nghe tôi nói, tay
xoay xoay cốc nước, thi thoảng cô bạn như bị sốc quá nên suýt sặc
nước nhưng vẫn không nói gì. Đến khi tôi nói về việc tôi thấy nhà
đối diện có người đàn ông lạ như đang theo dõi tôi thì Lưu Linh
cười phá lên.
- Thần hồn át thần tính vừa thôi, chắc không có việc đó đâu. Cứ như
mày có sức hấp dẫn lắm ấy.
Tôi lắc đầu. – Tao sợ, Lưu Linh ạ.
Lưu Linh thôi trêu đùa tôi, kéo tôi lại gần, dịu dàng nói, như một
người chị:
- Kể cũng phải, trước đây có mày và cô ở với nhau, giờ ở một mình
cũng thấy sợ là phải. Họ hàng người thân thì không có ai rồi. Hay
năm nay qua nhà tao ở, bố mẹ tao cũng quý mày mà.
- Thôi, Tết ai lại không ở nhà. Tao ở nhà đón tết với
mẹ.
Lưu Linh im lặng một hồi, rồi mới nói: - Thế Lưu Ninh thì sao? Vẫn
theo đuổi mày à?
- Ừ, nhưng dạo này ít liên lạc. Chắc cũng bận hoặc là bỏ cuộc
rồi.
Tôi vừa dứt lời thì điện thoại báo có tin nhắn.
“Em định không đi làm cả kỳ nghỉ đông đấy à? Anh mới chế một loại
café thú vị lắm, tuần tới em đi làm lại nhé!”
- Thiêng nhỉ! Thiêng thế này thì sống chẳng mấy. – Lưu Linh
nói.
- Cái mồm mày, ăn với chả nói.
Lưu Linh không nói không rằng, đi vào phòng ngủ của tôi. Cô bạn
ngồi phịch lên giường rồi lại đi đến cửa sổ nghịch mấy chậu hoa.
Trông cô bạn không có vẻ gì quan tâm đến người đàn ông lạ ở căn hộ
đối diện cho lắm. Có lẽ do tôi tự gây áp lực cho mình mà
thôi.
- Nếu sợ, tao gọi điện về nhà rồi tối nay ngủ lại đây với mày
nhé!
- Thật hả?
- Ừ, nấu gì ngon ngon vào.
Sự có mặt của Lưu Linh khiến tôi cảm thấy khá hơn nhiều. Để đền bù
cô bạn lỡ hẹn đi mua sắm với bạn bè, tôi làm caramen chiêu đãi cô
bạn. Rồi suốt buổi chiều, hai chúng tôi nói chuyện, xem tivi. Thời
gian trôi qua rất nhanh, không lo lắng hay sợ hãi mà chỉ là niềm
vui mà Lưu Linh mang lại.
- Sắp tối rồi, nấu gì ăn đi mày! – Lưu Linh đòi hỏi.
- Con heo này. Ngồi chơi đi, tao đi nấu cơm. Mà mày thử để ý xem gã
đáng ghét còn ở nhà bên kia không nhé, chứ tao vẫn cứ thấy hãi
hãi.
Tôi nói rồi đi vào bếp nấu cơm để Lưu Linh ngồi nghịch máy tính.
Tôi nghĩ về câu chuyện phiếm ban nãy giữa tôi và Lưu Linh. Chúng
tôi nói nhiều đến hai chàng trai. Không biết có phải cùng họ nên
Lưu Linh có vẻ thích Lưu Ninh hơn, Lưu Linh thấy tôi sẽ được an
toàn và được yêu thương hơn khi ở bên Lưu Ninh? Giữa tôi và Tiếu Vũ
có một sợi dây liên kết, nối chúng tôi lại với nhau nhưng sợi dây
ấy rất mong manh bởi cuộc sống của chúng tôi khác nhau quá nhiều và
rất có thể, một ngày nào đó chính Tiếu Vũ là người sẽ dứt bỏ sợi
dây mỏng manh ấy và người chịu tổn thương chỉ là tôi.
Tôi lắc lắc đầu với hi vọng những suy nghĩ vẩn vơ sẽ rơi rớt bớt
đi, xem ra cũng khá hơn một chút. Thôi thì việc gì đến sẽ phải đến,
dù sao tôi đã cẩn trọng hết mức rồi.
Sau bữa tối, Lưu Linh hăng hái đi rửa bát bởi tôi đã nấu cơm rồi.
Cô bạn vừa nghịch bong bóng xà phòng, vừa huýt sáo, xem chừng rất
vui.
- Uống nhầm thuốc hay sao mà phởn thế? – Tôi hỏi.
- Kệ tao.
Lưu Linh là thế, lạc quan và luôn biết cách làm cho chính bản thân
mình vui vẻ. Thời gian đầu mới vào kí túc tôi và Lưu Linh không mấy
hợp nhau cũng vì cô bạn ấy lí lắc quá trong khi tôi khá khép mình.
Lưu Linh có thể nói nhanh, nói nhiều, nói không ngừng nghỉ, đôi khi
chúng tôi đau đầu vì cô ấy nhưng có lúc sự nghịch ngợm của Lưu Linh
mang đến những trận cười chảy ra nước mắt. Sau đợt tập quân sự đầu
năm, theo yêu cầu của nhà trường, mỗi lớp phải có một buổi hoạt
động cộng đồng, lớp tôi đã chọn quảng trường Văn Hoá ở trung tâm
thành phố là nơi tổ chức. Mỗi phòng kí túc được phân công chịu
trách nhiệm một tiết mục văn nghệ. Lưu Linh với tài ăn nói của mình
đã nhanh chóng tự chọn cô ấy làm nhóm trưởng và thúc ép tôi, Lan
Phương, Kỳ Yến tập nhảy.